Sách Giáo Khoa Giáo Dục Quốc Phòng An Ninh Lớp 12
Nâng cao trách nhiệm của học sinh trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân
(Bqp.vn) - Quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia, gồm tổng thể các hoạt động của nhà nước và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng. Sức mạnh quân sự của nền quốc phòng được thể hiện ở sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang; ở các khả năng chủ động đề phòng và ngăn ngừa chiến tranh; chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và tạo ưu thế về so sánh lực lượng trong chiến tranh…
Học viên Trường sĩ quan Pháo binh huấn luyện chuyên ngành. (ảnh: Quốc phòng)
Toàn bộ lịch sử giữ nước của dân tộc ta cho thấy, sức mạnh chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đều là sức mạnh tổng hợp, dựa trên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang giữ vai trò là nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Kế thừa những bài học kinh nghiệm quý báu trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Đảng ta chủ trương xây dựng nền quốc phòng “toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại” [1]. Chủ trương đó được thể hiện nhất quán trong tất cả các kỳ đại hội của Đảng.
Đối với chúng ta, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân là để bảo toàn lực lượng, sức mạnh quốc phòng cho hiện tại và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai. Đó vẫn là cuộc chiến tranh nhân dân, nên nó vẫn phải quán triệt quan điểm toàn dân đánh giặc, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt” [2]. Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng chỉ rõ ở Điều 66: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”.
Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm: xây dựng tiềm lực và thế trận. Thực hiện chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, trong mấy chục năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng cả tiềm lực và thế trận của nền quốc phòng toàn dân; đóng góp xứng đáng vào thành công của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện chức năng đội quân chiến đấu, Quân đội ta đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng khác làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đề ra đối sách phù hợp, xử lý thắng lợi các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh. Quân đội đã thường xuyên nêu cao cảnh giác, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu, SSCĐ; làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt cùng nhân dân giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam, phía Bắc vừa qua và hiện nay, đang là nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, quân đội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy địa phương thực hiện xây dựng tiềm lực và thế trận của nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận của nền an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, nhất là trên các hướng, địa bàn chiến lược, địa bàn trọng điểm, biên giới, hải đảo. Các đơn vị quân đội đứng chân trên các địa bàn đang chủ động, tích cực làm nòng cốt cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc. Bên cạnh đó, trong sự chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, quân đội luôn thể hiện là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc về phương diện chế độ chính trị.
Trong thực hiện chức năng đội quân công tác, quân đội ta cũng thể hiện là lực lượng nòng cốt trong xây dựng “thế trận lòng dân” của nền quốc phòng. Các đơn vị quân đội, dù làm gì, đóng quân ở đâu cũng đều thường xuyên đẩy mạnh công tác dân vận, binh địch vận với nhiều hình thức đa dạng và phong phú; chủ động, tích cực tuyên truyền để nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân và binh lính địch hiểu rõ tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc ta; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng chính quyền, đoàn thể cách mạng giúp dân tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Với quan điểm tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, những năm qua, quân đội ta thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này; thông qua đó, thiết thực tăng cường quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa quân đội với Nhân dân, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội dầm mình trong bão, lũ để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân trong những năm gần đây, có khi hy sinh cả tính mạng của mình để góp phần giảm nhẹ hậu quả thiên tai cho nhân dân đã củng cố thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Thực hiện chức năng là đội quân lao động sản xuất, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, gần chục vạn cán bộ, chiến sĩ đã được chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng các nông trường, lâm trường, công trường ở những vùng gian khó nhất của Tổ quốc, góp phần vào xây dựng hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều đơn vị quân đội lại có mặt trong những công trình xây dựng lớn của đất nước, như: khôi phục đường sắt Thống Nhất, xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, đường dây tải điện 500 KV, phục vụ các công trình dầu khí; góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển nền kinh tế đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, ngoài các hoạt động tăng gia, sản xuất quanh doanh trại để cải thiện đời sống bộ đội, lực lượng chuyên trách làm kinh tế của quân đội lại phát huy vai trò của mình trong xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân. Các doanh nghiệp quốc phòng, ngoài nhiệm vụ duy trì dây chuyền sản xuất sản phẩm quốc phòng cho nhu cầu thường xuyên, được phép sản xuất thêm mặt hàng kinh tế, góp phần vào xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân. Nhiều doanh nghiệp quân đội đã trở thành trụ cột của nền kinh tế, có những đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Binh đoàn 15, Tổng công ty 36… Các đoàn kinh tế - quốc phòng được thành lập và hoạt động ở những vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, ngoài nhiệm vụ giúp Nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, còn trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc diễn ra với nhiều thuận lợi to lớn do những thành tựu của gần 30 năm đổi mới đem lại, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức gay gắt, nhất là những biến động rất phức tạp và kéo dài ở Biển Đông. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá ta với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi và xảo quyệt; sẵn sàng phát động chiến tranh xâm lược nước ta bằng vũ khí công nghệ cao khi có thời cơ. Vì thế, vấn đề phát huy vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc tiếp tục phải được coi trọng. Theo đó, cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để xây dựng sự vững mạnh về mọi mặt. Đây là nguyên tắc cơ bản, hàng đầu trong xây dựng quân đội nhân dân cách mạng. Theo phương hướng đó, cần chú trọng giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội, đảm bảo trong bất cứ hoàn cảnh nào quân đội cũng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Muốn vậy, phải tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quân đội; làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn giác ngộ sâu sắc mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phân biệt rõ đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đồng thời, phải xác định quyết tâm và hành động đúng đắn trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch” [3].
Hai là, quân đội phải tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối và các giải pháp bảo vệ Tổ quốc; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng; qua đó, giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, kiến thức và ý thức về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân; có nhận thức đúng đắn về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, giúp họ xử lý đúng đắn các quan hệ lợi ích, trong đó phải đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh sa vào lợi ích kinh tế đơn thuần, hoặc chỉ coi trọng lợi ích cục bộ, bộ phận, làm tổn hại đến lợi ích toàn cục của quốc gia.
Ba là, quân đội phải thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng đối với các bộ, ban, ngành và địa phương, nhằm không ngừng tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng của đất nước. Phải chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng các bộ, ban, ngành tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI), Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc trên phạm vi cả nước và trên từng khu vực, nhất là trên các hướng, địa bàn chiến lược, trọng điểm, nơi biên giới, hải đảo.
Bốn là, tập trung thực hiện tốt Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội theo hướng “tinh, gọn, đồng bộ, hợp lý, cân đối giữa các quân binh chủng, cơ quan và đơn vị, lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên” nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, tiếp tục đầu tư xây dựng các lực lượng hải quân, phòng không - không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật… đi thẳng vào hiện đại. Cùng với quá trình hiện đại hóa vũ khí trang bị, cần chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí chiến đấu cao, năng lực làm chủ và khai thác có hiệu quả vũ khí trang bị được giao; bởi con người mới là nhân tố quyết định trong mối quan hệ với vũ khí trang bị. Song song với nhiệm vụ nâng cao chất lượng lực lượng thường trực, cơ quan quân sự các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 41-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X) về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”.
Năm là, luôn nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của quân đội ta. Ngay từ thời bình, phải tranh thủ thời cơ, tận dụng thời gian có lợi, khai thác triệt để các nguồn lực, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện, xây dựng quân đội chính quy gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tạo sự chuyển biến toàn diện về thực hiện nền nếp, chế độ trên tất cả các mặt công tác, trước hết là trong công tác quản lý bộ đội, quản lý vũ khí trang bị, duy trì kỷ luật, SSCĐ, sẵn sàng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cháy rừng… Theo hướng đó, cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trong đó, thực hiện tốt phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện cho mọi đối tượng, huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế, làm chủ và khai thác có hiệu quả các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại mới được trang bị; tăng cường huấn luyện, diễn tập hiệp đồng tác chiến quân binh chủng, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão, lũ, cháy rừng… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong thời kỳ mới”, cùng Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” với các hình thức đa dạng, hiệu quả. Trên cơ sở đó, tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân, góp phần xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” của nền quốc phòng phải hướng mạnh trọng tâm công tác dân vận của các đơn vị quân đội vào tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, quốc phòng - an ninh. Đó là cách thiết thực xây dựng thế trận của nền quốc phòng toàn dân.
Bảy là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, nhằm góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế và quốc phòng của đất nước. Quân đội cần triển khai tích cực việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 520-NQ/QUTW “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của quân đội đến năm 2020”. Cần làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng là một trong những chức năng, nhiệm vụ chiến lược, lâu dài của quân đội; phấn đấu là một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quân đội cần tập trung nguồn lực để xây dựng 32 khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn biên giới xung yếu và địa bàn chiến lược theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó cần chú trọng xây dựng khu kinh tế - quốc phòng trên biển, hải đảo; đồng thời, tích cực tham gia cùng các bộ, ban, ngành đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam.
Tám là, tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bảo đảm cho Đảng luôn luôn giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Đó không chỉ là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến thắng của quân đội trong 70 năm qua, mà tiếp tục còn là nhân tố quyết định bảo đảm cho quân đội ta thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện tại và tương lai. Toàn quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các cấp bộ Đảng trong Đảng bộ Quân đội. Trên cơ sở đó, ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ Quân đội.
Quân đội tiếp tục bám sát đường lối chính trị, quân sự, quốc phòng của Đảng; thực hiện tốt, đồng bộ các chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất bằng các biện pháp, hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả là điều kiện đảm bảo cho quân đội ta hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong xây dựng tiềm lực và thế trận của nền quốc phòng toàn dân thời kỳ mới.
[1] Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 848.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 82.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 81- 82.
1. Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
2. Nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm:
a) Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh;
b) Xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc;
c) Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của Nhà nước và nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để xây dựng đất nước;
d) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng;
đ) Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở các vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước;
e) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
g) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;
i) Kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại;
k) Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;
l) Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.